
Xin lỗi tất cả mọi người, thật ra không phải tôi nói bậy chút nào mà đúng ra là tôi đang làm "Phóng sự Huế" - năm 2008 nhưng đang viết buồn ị quá nên mới viết tắt thành "phóng uế" - vì phải chạy vội vào toilet trong khách sạn bốn sao Camelia để pằng pằng pằng chiu một cái cho tâm hồn thanh thoát mới có cảm xúc viết phóng sự Huế cho mọi người đọc được hay hơn !
Vâng, đoàn tàu SV4 đã đưa chúng tôi từ Hà Nội vào Huế qua một hành trình dài hơn 700km. Thành phố Huế thật thanh bình và sạch. Trời hôm nay cũng rất mát và đẹp, sáng đến nơi đã có Giám đốc khách sạn Camelia đi ô tô ra đón cả đoàn. Nên đi đến nơi không có gì là mệt mỏi cả. Một ngày ở Huế như có 4 mùa. Trời về đêm và sáng như lạnh hơn, trưa và chiều thì nắng gay gắt, nhưng đến tối tối khoảng tầm 6h30 trở đi là dịu hẳn rồi mát và lạnh dần về đêm.
Sau khi tắm táp xong xuống ăn cơm mà theo như thằng Sơn nói đó là “khúc dạo đầu” mà ông chủ khách sạn mời cả đoàn. Cơm canh đậu phụ đơn giản thôi, nhưng đói nên ai ăn cũng thấy ngon mặc dù ăn không nhiều lắm vì còn ngượng và ngồi trong một khách sạn sang trọng quá nên có lẽ vừa ăn vừa run và vừa sợ giá USD tăng cao quá ha ha. Nói thế thôi chứ là bữa cơm ông chủ khách sạn – bạn thân bác Đạm mời nên cứ vô tư mà oánh chén. Nghe kể thì khách sạn này thuộc loại khách sạn nổi tiếng nhất trong số những khách sạn tư nhân. Ông chủ khách sạn, trông lù rù, ăn nói nhỏ nhẹ, không to béo phốp pháp như những doanh nhân thường thấy, mặt ông xanh xanh, nổi bật lên là cái mũi to bè bè – mà theo như mình cảm nhận những người có cái mũi như thế này thường làm ăn rất phát đạt. Khách sạn này là một trong những khách sạn từ bắc vào nam của ông. Khách sạn được xây với trị giá 80 tỷ trong vòng 3 năm do một kiến trúc sư người Pháp chuyên thiết kế khách sạn. Đúng là tây thiết kế có khác, thẩm mỹ màu sắc không gian kiến trúc, đồ nội thất thật hài hòa không chê vào đâu được. Đội ngũ phục vụ cũng chuyên nghiệp, phục vụ tận tình chu đáo, theo đúng nghiệp vụ khách sạn 4 sao và giá cả ngàn sao ! Vậy là cả đoàn một ngày được làm vua trên đất Huế ! Sáng có người dọn phòng, trưa có người dọn phòng , tối đi ăn cơm lại có người vào trải chăn cho để về chỉ việc ngủ.
Chiều đến sau khi đã nghỉ ngơi cho đỡ mệt, cả đoàn lại cùng nhau đi thăm Đại nội, Chùa Thiên Mụ, Chợ Đông Ba, Lăng Minh Mạng, Lăng vua Tự Đức. Tối về lại được ngồi xích lô đi lòng vòng quanh phố, lên cầu Tràng Tiền, rồi lại du thuyền thả đèn hoa đăng trên sông Hương. Đang đi chơi ông gọi điện ra: “Đang đi đâu đấy, vào lăng Văng Mạng, lăng Tự Đúc nhớ chụp nhiều ảnh vào về cho ông xem”. Maimap nghe thấy vừa lặc lè đi như con gấu vừa há mồm cười khằng khặc vừa cãi: “không phải lăng Văng mạng với Lăng Tự Đúc ông ạ, cháu đang đi đến Lăng Minh Mạng với Lăng Tự Đức xa lắm, phải đi taxi mãi mới tới”
Giá vé vào những noi tham quan khá “bèo” 35K/người. Trẻ em giảm ½. Thằng Sơn ăn gian nên nói là có 12 tuổi. Nói xong chạy bắn, vì sợ người bán vé phát hiện. Vé vào đắt thật, lại không có hướng dẫn viên giới thiệu nên cả đoàn rất lấy làm bất bình và hậm hực.
Đại Nội rộng thênh thang, một số khu vực làm việc trước đây của vua đã bị phá hủy do thời gian và chiến tranh. Một số khác hiện đang được trùng tu và khôi phục, nên khung cảnh trong Đại Nội vẫn ngổn ngang các tòa nhà đang dựng dở, đi lại không có hướng dẫn viên du lịch nên chả hiểu gì, mọi người bắt đầu oải. Vòng quanh một lượt cũng hết cả khu Đại Nội, nắng nóng, khát nước nên Sơn và Mai mua mỗi người một chiếc kem. Ăn xong lại trúng hai cái. Thôi thế là lãi lắm rồi. Vừa được ăn vừa được ngắm, hai đứa trẻ được trúng thêm kem lại hì hục chạy ra đổi rất lấy làm xung sướng. Lòng tham không đáy, ăn cái kem trúng thưởng xong mà vẫn còn muốn trúng thêm lượt nữa hihi.
Sau khi ăn kem xong, vào đến gian trưng bày quần áo của vua chúa thời Nguyễn, những đồ vật bằng đồng, bằng gốm sứ rất đẹp, trông giản dị mà nghệ thuật. Có mỗi điều đáng nhớ là xem ảnh các cung tần mỹ nữ, thái giám ngày xưa sao mà xấu đến thế, trông khắc khổ gầy gò ốm yếu, nói thật chả khác gì mấy bà bán lông gà lông vịt những năm 80.
Chụp ảnh chán chê, quay phim một lượt về để cho ông bà xem, ngó mãi chả thấy hướng dẫn viên du lịch đâu cả. Vào đến cổng Ngọ Môn, bác Đạm khệnh mông đi đi lại lại quay nốt rồi tức mình giở mớ sử của nhà bác học Lê Văn Lan ra giới thiệu với cả đoàn: “ Đây này, chỗ này là cái chỗ ngày xưa vua nó ở đây này” Chết thật, nơi uy nghiêm thế này mà lại gọi vua là nó, cả đoàn cười sặc sụa. Sau đó theo bác Đạm đi tìm cái giường của vua nó nằm mà mãi không tìm thấy cái giường đó ở gian nào.
Đã hết giờ thăm Đại Nội, ô tô đón đoàn ngoài cổng rồi, cả đoàn leo lên xe đi thăm chợ Đông Ba. Cứ háo hức như những đứa trẻ lần đầu được mẹ cho đi chơi, xe đỗ trước cổng chợ, nhảy bộp xuống một cái, làm bô ảnh gọi là ghi lộc “ Đại Mỗ đã đặt chân tới đây”.
Chợ nào có khác gì Chợ Đồng Xuân, Hàng da ở ngoài bắc đâu. Cũng bán ngần đấy thứ chỉ vài thứ khác đặc trưng của Huế có trong chợ mà người ở xa đến dễ nhận ra: Chè Huế - ngọt trợn mắt. Các hoa quả được làm bằng đậu xanh bên ngoài bọc vỏ bột lọc nhuộm xanh đỏ - khá khen cho những người làm bánh này nặn rất khéo và giống và về hình dáng lẫn màu sắc. Ăn chè chán, ra đến hàng mít Tố Nữ, giọng cô gái Huế ngọt ngào mời chào, cả đoàn lại làm một quả mít. Lần đầu tiên được ăn mít này, ngon thật, không giống mít ở ngoài bắc chút nào, cô bán mít bổ cũng nghệ thuật, bổ làm tư, kéo xoẹt một cái thế là tuột cả vỏ lẫn sơ còn chơ lại cả chùm múi mít dính lủng lẳng vào cuống. Ăn không cẩn thận là nghẹn, thằng Sơn nhai vội rồi nuốt vội bị nghẹn cho một cái mắt đỏ hoe khi múi mít chui xuống an toàn rồi chạy ra khoe với chị Mai em vừa bị nghẹn. Hơ đã bảo mà có sai đâu. Mít ngon, vừa đưa đến môi đã trôi xuống ruột, ăn tham nên nó trôi từ từ nên nghẹn là phải hihi. Mình vừa ăn vừa nghĩ bụng về phải mua mấy chục quả về cho ông bà ăn, bà thích lắm mà ông cũng thích vì múi mít vàng, rất nhỏ lại thơm và rất ngọt. Nghĩ bụng thế thôi, đến lúc về thì quên tiệt chả thấy mít Tố nữ của ông bà đâu. Lại tặc lưỡi cú diều “ ở Hà Nội cũng bán”. Hô hô Con cái có hiếu quá !
Vòng quanh chợ Đông Ba thế là hết rồi đấy, chả mua bán gì chỉ ngắm, sờ, ngắm, sờ thế mà những người bán hàng ở đây chả nói gì. Mua thì mua không mua chả sao. Dân bán ở đây hiền thật chứ không chao chát chỏn lỏn, kỳ kèo như ở Hà Nội. Ở Hà Nội sáng ra mà không mua mở hàng là các bà các mẹ trong trợ chửi cho phải biết, rồi lại dạng háng ra khua chân mà đốt vía đốt vang.
Đang ăn mít Tố Nữ trong chợ, Mai mập phì cười vì thấy hai bà trong chợ cãi nhau chi đó nghe chả rõ, dù cãi nhau tức nhau lắm nhưng không thấy họ văng cái nọ, đập cái kia, nhét cái này vào mồm nhau khakha. Chứ mà ở Hà Nội thì thôi rồi, có cái gì của cha của mẹ của ông của bà từ thượng vàng hạ cám trong lúc tức nhau là đem ra mà mời miễn phí hết, mời không ăn thì bà nhét vào mồm cho mà xơi. Lúc thì ngọt sớt mồm dẻo như kẹo kéo cứ như con gà cùng cha cùng mẹ, lúc điên lên thì tốc váy lên mà đòi làm bố nhau ngay .
Thôi chết, sao thấy tức ngực quá, nóng mồm quá, có lẽ nhịn từ sáng đến giờ chưa nói bậy câu nào nên mình thấy ức chế chăng. Mẹ bố khỉ ! hóa ra là mình nhịn nói bậy từ hôm vào Huế đến giờ. Vào đến đất Huế này chưa nghe thấy câu nói lóng, nói đệm nào phát ra từ miệng người dân Huế mới dật mình nhớ ra thì ra mình mất dạy quá khakha. Thử từ giờ đến lúc đi vào Đà Nẵng về xem cảm nhận của mình có đúng không. Chờ xem nhé ! Xem hồi sau sẽ rõ !
No comments:
Post a Comment