Ou est l'écho de l'amour

Phần 3 - Đà Nẵng

Mà lạ thật, từ lúc vào Huế đến vào Lăng Cô rồi ra Đà Nẵng sao ai cũng nhìn mình vậy cứ như thể người hành tinh rơi xuống. Chết thật. Hay quần quên chưa kéo khóa, làm động tác giả đưa tay ra kiểm tra, khóa vẫn đàng hoàng mà; hay mặt nhọ - không phải; áo sứt chỉ ư cũng không phải; chưa lăn nách ư, lại càng không. Thế họ nhìn mình cái gì nhỉ. Trời ơi, Con gái nhà ai mà xinh đáo để !. Ai cũng bảo mình giống người Pháp mới chết chứ nị. Ô hô ! Vào đến hội An đi qua các cửa hàng bán lưu niệm là họ cứ mời mình tới tấp bằng tiếng tây: "Căm on pờ li hia" rồi Bông xoa với chả Bông bóp loạn xị. Kaka, nhảy vào hỏi mới biết mình người Việt Nam . Thế nên lúc ngồi ở Đà Nẵng mới có một sự kiện bất ngờ. Tại quán Hùng mập nằm trên đường Sơn Trà Điện Ngọc trong lúc cả nhà ngồi ăn cá chìa vôi nướng. Mình ăn cũng không đến nỗi cặm cụi lắm vì vốn không thích ăn cá. Phía bàn đối diện có một chú cao to đẹp trai, nhìn mình từ đầu đến cuối bữa ăn, mỗi lần mình ngửng mặt lên thì chú lại ngó ra cười rất tươi với mình, cứ nghiêng người ngó ra để cười muốn làm quen, rồi lại còn giơ cả cốc bia lên chúc mấy lần nữa chứ. Thấy một ông cứ ngó vào cười, mình thấy cũng lạ nhưng cứ nghĩ là chú cười với người khác nên mình làm ngơ. Như sợ mình không nhìn thấy chú còn đứng cả dậy làm mấy động tác giả rồi chúc bia mình từ xa. Mà theo như dân bắc gọi là "Hôn môi xa". Ôi cha ! Lần đầu tiên có sự rung rinh đến thế, một khuôn mặt cười thật tươi và hiền. Nhưng khổ nỗi mình không giám đáp lại đành phải thất lễ làm ngơ, lúc đấy mà cười lại là anh hai Đà Nẵng ra chúc bia là cái chắc, làm quen ngay. Lúc về cứ rung rinh mãi, mình vẫn nhớ khuôn mặt ấy, ánh mắt ấy và nụ cười ấy. Không biết giờ này anh ở đâu?. Liệu có một ngày nào đó được gặp lại anh không nhỉ ?
Về đến phòng kể cho Maimap nghe, Maimap còn chơi cả chữ Hán với cô meo nữa, nhưng mà đọc sai bị cô meo bảo đọc sai rồi ngượng quá cười phe phé ra. Maimập bảo với cô meo thế này này:
"Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đuối lý bất tương phùng"
kakaka nghe xong buồn cười quá
phải sửa lại cho Maimap ngay, khong ra noi chueyn voi anh nào đọc thế anh ý cười cho tóe khói. Cũng tinh vi dùng chữ hán ư. Kakaka. Đúng là Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, giống ông Ngoại quá. Kaka. Mà Maimap có anh nào rồi hay sao ý, trời ơi, nhắn tin liên tùng tục suốt ngày đêm. Bạn Meo nhìn mà phát thèm.

Ngày hôm sau, theo lệnh của trưởng đoàn cả tiểu đội lại khăn gói quả mướp chuyển từ khách khách sạn Golden Sea sang khách sạn Mỹ Khê. Ở Mỹ Khê, mình và Maimap được ở trên tầng 2. Phía trước mặt khách sạn là biển. Vào đúng mùa du lịch nên du khách liên tục bị bóp với giá đẹp vì các khách sạn luôn trong tình trạng cháy phòng. Khách sạn khá to nhưng không sịn bằng Golden Sea cũng không thể ví như ở Resort Lăng Cô hoặc càng khác một trời một vực so với Camelia của ông Vinh. Nhưng ở đây có điểm khác là trồng rất nhiều dừa quanh khách sạn và dọc theo đường ra biển.

Hôm nay đầu tuần nên biển vắng vẻ hơn, không đông như kiến vào ngày thứ 6, 7 và chủ nhật vừa rồi. Nhìn bãi biển trông mà phát hoảng, đông ngoài sức tưởng tượng, còn hơn cả đi chảy hội, nhung nhúc như đàn chim cánh cụt trên biển bắc cực. Bác Đạm ngán ngẩm vì biển đông quá nên mặt cứ dài thượt. Những cái đầu đen đen nhấp nhô trên mặt biển, lố nhố trên bãi biển. Toàn dân ở vùng lân cận đi xe máy về tắm biển. Bãi biển cơ man nào là xe máy, các nhà cùng nhau ra biển trải lilon ngồi ăn cơm chiều, có nhà chỉ vài chiếc bánh đa phết mắm ruốc hoặc tương ớt mà trông họ ăn rất ngon lành. Xem ra ở vùng này, dân ăn quà vặt khủng khiếp. Những hàng ốc mút xào xả ớt, ngô xào, quả cóc dầm ớt , bánh mỳ nướng, khoai nướng, mực khô xào ớt… bán dọc biển và luôn đông khách. Bãi biển đông nghịt, bên kia đường là một cái cống cái đổ nước ra biển, nên có khu vực nước biển rất thối và tanh. Dân ở đây cũng lạ, chả quần áo bơi gì, muốn tắm là cứ bê nguyên cả bộ đồ quần trùng áo dài xuống biển. Lác đác mới nhìn thấy vài chú tóc vàng hoe. Ở đây có một điều thú vị là mặc dù nắng nóng dân đen thui thui, nhưng dù nóng thế nào cát ở đây đi chân đất cũng không bị bỏng chân như ở Cửa Lò hay Thiên Cầm, và khác hẳn với Lăng Cô đi trên cát thì cát kêu cứ chin chít. Thế mới lạ.
Ngồi vắt vẻo trên lan can tầng 2 để viết, đang viết thì mất điện. Sợ quá chạy tọt vào phòng thấy Maimap vẫn đang lúi húi thêu trong ánh sáng của đèn điện thoại. Vừa có điện một cái Già lang cầm con cua bể lên bắt xử lý. Ặc, không ăn không được. Già làng nài nỉ ăn hộ vì no quá. Bỏ đi thì phí phạm văn đồng. 350K/kg !. Lại phải chén !

Chiều đi ăn cơm mời khách – bạn làm ăn của bác Đạm, cả nhà ăn cứ dón ra dón rén. Hehe dân Hà nội ý tứ quá. Vừa ăn vừa gảy gót. Có mỗi hai ông khách mà làm giảm hết sức chiến đấu của cả đoàn. Còn lại thừa con cua rang me thì mang về, còn thừa nguyên một con Cá Dò nấu canh thì bà bán lạc luộc xin về ăn cơm. Lần này đi được ăn được con cá chìa vôi ngon thật. Thịt vừa thơm lại không tanh không có tị xương nào. Không thích ăn cá thế mà mình cũng phải thấy ngon, quấn cá chìa vôi nướng với lá cải rồi chấm muối tiêu ớt và mù tạt thì thật tuyệt. Chẹp chẹp. Cá này cũng đắt vật.

Mọi người có vô Đà Nẵng muốn vào quán Mỹ Hạnh thì cũng phải chuẩn bị thật nhiều đạn vào để bắn liên thanh vì quán này đắt gãy cổ. Và quán này đã được đoàn Hàng Điếu -Hà nội trị tội bằng một bữa cơm toàn rau: cải xào, cải nấu canh, rau muống xào, một đĩa rau diếp cá…. nói chung là toàn rau đến nỗi bọn phục vụ cứ trợn cả mắt lên vì không hiểu khách thể loại gì. Bữa thứ nhất ăn ở quán Mỹ Hạnh có hải sản là mấy con ghẹ trong lúc chờ luộc ghẹ còn được mời hai đĩa dứa ăn cho zui, ăn xong cũng được mời dứa tráng miệng cho zui. Nhưng đến bữa cơm thứ 2 toàn rau xanh rờn, ăn theo kiểu sư đội tóc giả thì chả thấy được mời dứa ăn cho zui nữa. Cả nhà tiu ngỉu bởi dứa trong này ngọt lắm. Vô Đà Nẵng mọi người cũng nhớ nhớ ghé quán Hùng mập trên đường Sơn Trà Điện Ngọc mà chén cá chìa vôi nướng nhé. Quán này bình dân, chỉ chuyên đồ Hải Sản – quán này đâm ra lại có một “kỷ niệm nho nhỏ” thật hay với mình hehe. Lung linh quá, nhưng như sao trên trời sáng lóe lên một cái rồi vụt tắt mất. Ngày mai đã về rồi. Thật tiếc. Ước gì…ước gì anh ở đây giờ này – khakha cứ như là Mỹ Tâm hát ấy.

Ăn chán, muốn đi chợ mua sắm thì làm chuyến taxi mà ra chợ Hàn mua sắm. Giá cả cũng không đắt mấy. Được chọn được mua thoải mái mà không sợ bị đốt vía ngay cả khi đi chợ vào sáng sớm dù có mua mở hàng hay không.

Ngoài kia biển về đêm đẹp lắm. Gần rằm nữa trăng chưa tròn vành hẳn nhưng cũng rất sáng. Khu vực này hay mất điện. Cái khách sạn Mỹ Khê củ chuối to vật vã ra thế mà không sắm lấy được một cái máy nổ. Lại mất điện. Phòng tối um. Chỉ còn ánh sáng của trăng sáng trong trên biển. Ra lan can ngồi mát thật, gió biển mát thổi mát lộng, biền vỗ sóng oàm oạp vào bờ bên này vẫn nghe rõ lắm. Biển mang đến cho mình thật nhiều cảm xúc, và cũng cuốn đi nhiều điều phiền toái trong chốc lát. Ngồi trước biển Đà Nẵng mà nhớ tới bao nhiêu thứ đã qua từ xa lắc xa lơ, nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai. Chả biết nữa. Chỉ biết là nhớ, nhớ nhớ và nhớ lung tung để rồi chả biết là nhớ những gì.

Nhớ lại trong ngày đã đi được những đâu. Hòn non nước đá trắng phau phau, ấn tượng nhất là Maimap leo Hòn non nước bằng dép tông dật, leo đến đâu dép mắc vào đá đến đấy cười cứ ha há suốt cả dọc đường. Cửa động lên trời thì bé, mông Maimap thì to, cứ phải người trên kéo lên còn mình đi sau thì đủn mông Maimap mãi mới chui lên được cửa động. Leo lên Huyền Không Động được ngắm nhìn 5 ngọn núi Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ. Mà ngọn núi Thủy là Ngọn núi đẹp nhất được vua Minh mạng cho khắc hai chữ trên núi – Sơn Thủy. Từ Hòn non nước nhìn ra 4 phía là núi là biển, các khu làng nghề, phố cổ Hội An… trải qua thời gian, biển dần dần tách rời xa khỏi núi nên Tản Đà khi đi qua đây mới có hai câu thơ rằng:
“Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non”

thay vào đó là sự sống được hình thành và làm nên một phần văn hóa phong phú cho mảnh đất hình chữ S. Đúng là có đi mới thấy đất nước mình nhiều nơi thật đẹp.
Nhớ tới lúc đến Thánh địa Mỹ Sơn – di tích của một quần thể Đền Tháp Ấn Độ giáo lớn nhất đặc trưng nhất của nghệ thuật Chămpa, mới biệt được nhiều điều thú vị. Khu vực này chỉ là nơi thờ cúng của người chăm chứ không phải là nơi ở hay chôn cất. Người Chămpa mắt xếch môi dày và doe, mũi tẹt da đồng. Người Chăm cổ đã được tôn là bậc thầy của nghệ thuật xây gạch. Kỹ thuật xây dựng các đền tháp cổ hiện nay còn nhiều bí ẩn chưa lý giải được. Không hề dùng chất kết dính thông thường, các viên gạch như được mài khít rồi trồng lên nhau phát triển liên túc từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13. Những tác phẩm điêu khắc chạm nổi trên gạch, trên đá với những hình ảnh sống động về các vị thần, tu sĩ, vũ nữ, …– phản ánh sinh động vai trò của vương quốc chăm pa trong lịch sử văn hóa đông nam á nói chung và việt nam nói riêng. Sự du nhập những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài vào xã hội bản địa. Một số cổ vật đã được người Pháp mang về trưng bày ở viện bảo tàng nước Pháp… Để hiểu được nền văn hóa chăm có lẽ các nhà nghiên cứu còn phải tốn nhiều thời gian nữa.

Nhớ tới đường lên Bà Nà – thuộc huyện Hòa Vang cách Đà Nẵng 40km về phía Tây. Được biết vào tháng 4/1901 trong khi tìm kiếm địa điểm xây dựng khu điều dưỡng cho người Pháp ở Trung bộ, đoàn thám hiểm đã phát hiện ra Bà Nà. Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã cho mở ngay con đường lên đỉnh Bà Nà. Từ công trình giao thông này các biệt thự, nhà hàng, bưu điện, trạm xá, nhà nguyện dần mọc lên, nhất là từ độ cao 1.200m trở lên đỉnh. Sau một thời gian dài bị bỏ hoang do hai cuộc kháng chiến cứu nước, Bà Nà đã hồi sinh và phát triển thành khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ vào năm 1998. Ở đây có đặc sản nổi tiếng là trứng Đà Điểu. 120 K một quả. Có quả nặng tới 1.5kg ! Đường lên Bà Nà cứ dốc ngược, quanh co, toàn cua tay áo. Lau sậy cao ngập đầu. Già làng lấy dao cắt được một bó cỏ lau định mang về cắm ở nhà. Mấy cô cháu đem ra đánh nhau rồi để quên cả một bó trên đó. Trong lúc ngồi chờ xe đón xuống mấy cô cháu rủ nhau ra xem mấy con khỉ đỏ đít đuổi nhau rồi giật túi của khách du lịch. Chúng đói đến độ cho cả keo caosu bạc hà cũng chén. So với lên Tao Đảo thì đường lên Bà Nà sợ hơn nhiều, thót tim hơn nhiều và cũng đẹp hơn nhiều. Lên đến nơi thì trên đấy là Resort khá đẹp. Chứ không tuyền toàng như ở Tam Đảo. Tiếc nhất khi lên đến Bà Nà là không tìm được đường đến chùa Linh Ứng, nơi có tượng phật bằng đá trắng cao 27 m.…mà chỉ được ngắm nhìn tượng Phật từ xa. Giữa mây núi giăng giăng, biệt thự Lãm Thuý ẩn mình trong rừng cây xanh bạt ngàn hoa lạ và tiếng chim muông; biệt thự Lệ Nim vắt mình trên đỉnh núi với những tuyệt tác tranh ghép sỏi mang màu sắc tự nhiên; nét kiến trúc Pháp của biệt thự Hoàng Gia, vườn Tịnh Tâm đã tạo nên một không gian riêng cho Bà Nà… Ở đây cũng có rất nhiều bướm đẹp. Maimap rình mãi mới chụp được ảnh một con đang đậu trên cành mẫu đơn. Các nhà khoa học đã thống kê được ở Bà Nà có những loài động vật quý hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam, thực vật có: trầm hương, cẩm lai, sen mật, trắc, kim giao, gụ lan... Động vật có: chà và chân nâu, vượn má hung, gấu ngựa, gà lôi lam mào trắng... với hệ sinh thái phong phú và tính đa dạng sinh học cao, khu rừng đặc dựng Bà Nà cùng với các khu rừng bao quanh như Vườn quốc gia Bạch Mã, Tây Hải Vân tạo thành khu rừng nhiệt đới xanh còn lại lớn nhất miền Trung Việt Nam.

Viết đến đây kể lại thì buồn ngủ lắm rồi vì yên tĩnh và gió biển thổi mát quá…Làm nốt đoạn chốt vì mai đã về Hà Nội rồi. Kết thúc 10 ngày đú đởn. Mặc dù là đất du lịch, nhưng ở đây hầu như không có sự chèo kéo ép khách, không có ăn xin bu lấy khách như ở Hà nội. Cũng phải chốt lại một điều dân từ Huế đổ vào đến đây hiền, nhẹ nhàng, nhiệt tình, đặc biệt là trong suốt chuyến đi chưa hề nghe thấy một câu chửi bậy nóng lóng nói đệm nào. Như vậy là khi về thì nhớ đừng có nói bậy nói lóng nữa nhé, không về lại quen mồm khoe với mọi người: “Mẹ, dân ở ngoài này đ...éo hiền bằng dân ở trỏng”
Nhớ nhớ và nhớ tới tất cả… ! Hẹn gặp lại Đà Nẵng !
Nhớ…Đà Nẵng lắm đấy… Ước gì …

No comments: