Ou est l'écho de l'amour

Ông già trong ngõ nhỏ

ÔNG GIÀ TRONG NGÕ NHỎ
(viết tặng Papa Tuấn nhân ngày sinh nhật )
Ước chừng ông già này khoảng trên 70 tuổi, cái tuổi mà thời này không còn gọi là Cổ nhân thất thập cổ lai hy. Trông ông già không to cao béo bụng như những ông già vẫn hay đi ở ngoài đường. Người ông nhỏ gọn, trắng trẻo, xem chừng vẫn còn phong độ và kháu lão lắm.
Ông già này có một thói quen mà cả xóm dường như ai cũng biết khó tính, ông rất sạch sẽ và trật tự, và chỉ ưa sự yên tĩnh.

1. Lớp học
Nghe nói trước cửa nhà ông có một lớp học, học sinh đến học ồn ào rầm rập suốt cả ngày, xe cộ đưa đón cô chiêu cậu ấm đi học cứ suỳnh suỵch. Đỗ ở đâu không đỗ cứ trước cửa nhà ông đỗ xe và nhả khói. Không chịu được cảnh này, ông đã nhiều lần góp ý kiến và còn gửi thư phê bình lên phường, tích cực và tay chơi hơn nữa ông già còn vào hẳn 4rum của anh chàng họ Quách – Quách Tuấn Ngọc mà gửi thư nêu ý kiến về vấn đề giảm tải dạy thêm và học thêm. Nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể. Học thêm dạy thêm vẫn lan tràn. Nhìn những đứa trẻ, cả ngày đi học ở trường rồi tối đến lại lao đi học thêm trông mệt mỏi thật tội.
Ông già chỉ có ý rung cây dọa khỉ thôi, mà khỉ thời nay giỏi lắm, dọa gì thì dọa nó cũng chả sợ chi. Được vài ba hôm đâu lại vào đó. Lớp học thuê hẳn một người chuyên phụ trách khoản dẹp đường để chặn không cho xe máy vào “khu vực cấm”.
Tưởng thế đã yên, lũ nhất quỷ nhì ma biết ông già khó tính vẫn hay quát chúng và không cho thân phụ đỗ xe trước cửa lớp học, thỉnh thoảng lại chơi ông một vố, chúng nháy nhau bấm chuông nhà ông già rồi chuồn, nạp năng lượng xong chúng bỏ đầy rác vào ô văng cửa nhà ông. Ông già tức lắm bởi toàn lũ bất trị. Cứ đúng gần giờ Dần, cái giờ ồn ào, đau đầu nhất trong mùa hè nóng nực các cô chiêu cậu ấm tụ tập vào lớp ông già từ trên tầng ba cầm cái bình tưới cây, Ông chăm sóc và tưới cây cảnh đấy chứ ! Cả lũ học sinh tiểu học đang nghịch như giặc ở dưới, thấy có nước tưởng mưa kêu ầm ĩ: Mưa ! mưa ! rồi chạy tóe vào lớp học. Ông già ở trên thấy thế thích lắm, cứ tủm tỉm cười đắc thắng. Lâu dần, lớp học ngày càng phát triển, không địch nổi với thiên hạ để dành thái bình, ông đành làm học cách làm ngơ, nhưng thỉnh thoảng cũng vẫn ra oai tí chút, với mong muốn thay đổi cảnh học thêm của học sinh tiểu học. Nhưng đâu vẫn hoàn đó. Ông đành hậm hực chấp nhận sự tồn tại của cái lớp học - bởi chính thằng cháu ngoại ông cũng sang đó xin học thêm rồi.

2. Mai phục
Ông già có thói quen dậy rất sớm đi tập thể dục, sáng sáng 5h người ta đã thấy ông trong bộ sooc trắng giầy bata nghiêm chỉnh, trông rất sì_po_rờ_tờ đi tập thể dục. Trước khi đi tập thể dục ông thường quét dọn trước cửa nhà cho sạch sẽ. Rồi ung dung đi tập. Mấy hôm nay lại thấy ông già khó tính, và trông có vẻ rất bí hiểm.
Cứ đi tập thể dục về là ông lại phải tập thêm một bài thể dục phụ. Hót shit dog ! Thật khổ thân ông già, và căm ghét con chó mực nào sáng chạy nhông ra đường rồi cứ mặt tiền ….Thái Hà nhà ông thoáng mát sạch sẽ mà chúng nó phẹt. Có hôm còn đến 3 phát thẳng hàng như đội quân duyệt danh dự. Ông già cáu lắm nhưng chưa có dịp phát hiện ra thủ phạm.
Một tối thấy ông đi đâu về, tay cầm một túi nho nhỏ trong toàn sỏi, sỏi thôi chứ không phải đá hộc. Ông lầm lũi mang lên bancon tầng 3 giải sẵn như chơi ô ăn quan.
Ngày hôm sau, không thấy ông đi tập thể dục, ông lên sân thượng tập từ rất sớm rồi lặng lẽ rình thủ phạm.
Bất ngờ một đôi cún từ cánh tả trong ngõ nhà ông phóng vụt ra, chưa đầy mấy giây sau, một con mực nữa đuôi cộc nhắng nhít phóng theo. Một con, hai con, ba con, … có hôm đến 5 con ! Chúng chạy nhắng ra tít đầu ngõ, phóng hết tốc độ rồi lại phanh đột ngột, hệt như lũ dử mỡ thừa năng lượng. Đuôi xoắn tít ve vẩy không ngừng vì được gặp nhau. Sau một hồi chạy cho đỡ cuồng cẳng, chúng lại chạy về địa điểm tập kết.
Đây rồi, thủ phạm đây rồi !!! Từ trên cao tia xuống phía dưới, ông già đã tìm ra được thủ phạm, con mực cộc đuôi đang ghếch chân vào tường nhà bên cạnh tè một bãi, rồi rất nhanh chạy bắn ra ngõ. Không kịp ra tay. Ông tiếc rẻ. Nhưng vẫn kiên trì thập điện mai phục. Cuối cùng cũng có kết quả. Lần này con mực ở đâu lại hồng hộc phóng về hít hít ngửi ngửi trước cửa nhà ông để tìm lại “hương xưa”, loanh quanh mấy vòng nó ghếch mông tính kế làm một bãi. Nhanh như cắt, ông già đứng trên cầm một viên sỏi ném viu một cái. Thật thiện nghệ, viên sỏi trúng ngay đầu con cẩu. Quá hoảng hốt và giật mình vì bị nã đạn, con chó sủa ẳng lên một tiếng nhưng vẫn chưa muốn đứng dậy, nó lại đần mặt ngồi thêm mấy giây…. Lần này ông già cầm cả vốc sỏi, dốc sức ném từ trên xuống. Đạn bay như mưa, tới tấp tấn vào đầu, vào lưng vào mông con chó. Thấy không thể giải quyết nỗi buồn tại một chỗ đầy tên bay đạn lạc với 1 Ông du kích loại gồng, con cầy kêu ăng ẳng vì đau bật đứng dậy cong mông phóng vụt đi mà chưa kịp nhả lại đạn phản công.
Ông già cười hi hí. Cửa nhà ông từ hôm đó sạch bóng quân thù.

3. Bữa sáng của Ông già và hội phở
Đến hẹn lại lên, đều như vắt chanh cốm cam sành, 8h sáng thứ 7 nào cũng vậy Ông già dậy từ rất sớm đun nước pha sẵn ba cốc café nâu. Ba cốc thôi, một cho ông và hai cho hai ông bạn vàng. Cả hai đều học cùng ông trường Bưởi – tức Chu Văn An lớp 1B. Vâng lớp 1B. Cả nhà vẫn thấy ông “thỉnh thoảng thường xuyên suốt ngày” nói đến lớp 1B. Đấy là hai ông bạn chí cốt, một giờ là giáo viên vật lý đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn yêu nghề. Ông này được gọi bằng cái tên rất thân thiện – Bố Hg; ông kia thì đã từng vào tù ra tội – được lưu tên vàng trong Maison central – ông là tù cộng sản.
Người ta nói hai mụ đàn bà với 1 con vịt thành một cái chợ. Nhưng có lẽ người cần phải bổ xung thêm 2 Ông già và 1 Ông già là 3 cái chợ.
Sau khi pha phách sẵn đồ uống xong ông lên mặc quần áo và chờ 2 ông bạn già. Ông nhấp nha nhấp nhỏm ngồi đợi nôn nóng như chờ vợ đi chợ về..
Ông thứ nhất xuất hiện, rồi ông thứ hai xuất hiện. Sau một màn chào hỏi và bàn về vấn đề the weather today, ba ông Tam Đa cưỡi ngựa sắt đến hàng phở. Cứ phi vòng quanh là phi vòng quanh tuần nay ông này trả thì đến tuần sau ông khác trả tiền. Ăn phở cũng sành điệu, phở phải có quẩy, mà quẩy phải giòn , có giòn các cự mới xơi. Phở phải đủ tương ớt dấm tỏi chanh tươi tương vào nữa thì mới đủ vị. Chưa hết, chỉ số coletơron cao vượt ngưỡng cho phép nhưng 3 Ông Tam Đa vẫn tỏ ra rất khinh xuất, trước khi ngồi xuống hàng ăn bao giờ cũng phải nhắc lại câu: Cháu nhớ cho Bác thêm thêm nước béo vào nha!
Phở hôm nay quẩy bị ôi, các ông về chê kinh quá.
Về đến nhà cũng là lúc bà vợ tong tả đi chợ về, sẵn có mớ trứng lộn tươi, bà gọi ông hỏi có ăn trứng lộn không ? Từ trên tầng hai đang thay quần áo, vốn tai ngễnh ngãng ông gióng giọng xuống rất hồn nhiên: Cái gì. hở….ở ????
Sau khi thống nhất ý kiến hội đồng, ba ông hạ gục nhanh tiêu diệt gọn 3 hôvilô (hột vịt lộn). Cuộc trò chuyện nổ ra như cào cào giã gạo về các vấn đề trên giời dưới biển, nhân tình thế thái…
Ba Ông đang uống cafe sữa và thao thao bất tuyệt bất chợt 1 Cán Bộ Nhà nước đi qua, một ông chặc lưỡi tiếc rẻ nói: tiếc quá thằng V nhà tôi nó it tuổi hơn không thì…, tiếc quá, tiếc quá.
Ông kia cũng không phải tay vừa, kém miếng khó chịu, nhưng lại tế nhị hơn, ông ngồi im thin thít không nói. Vẻ mặt rất đăm chiêu.
Tới giờ tan cuộc, ông Kh về trước, Bố Hg nhanh trí khéo mồm: Ông về trước đi, rồi chui tọt vào nhà tắm giả vờ rửa tay. Ông Kh nai tơ về trước thật. Bố Hg rửa tay rồi ở lại buôn tiếp hiệp hai với Ông già trong ngõ nhỏ.
Đột nhiên Bố Hg cất tiếng - này tôi còn thằng con út, con nhà ông nó có ai chưa.
Ông già ậm ừ, lửng lơ con cá vàng. Đang mải mê suy nghĩ xem thằng cu đấy trông thế nào, Bố Hg tiếp lời ngay - hay hôm nào tôi dẫn thằng con tôi đến đây cho chúng nó gặp nhau. Con mình như thế, nhà mình như thế mà để cho người khác thì phí lắm, có gốc gác cả lại chỗ thân tình tin tưởng….abc…dđef …
Uh cứ thử xem thế nào, xem chúng nó có ưng không, chúng mình chỉ nổ bộc phá, mở đường cho chúng nó xung phong, được hay không còn là cái duyên nữa, không được thì vẫn là con cháu trong nhà, tôi với ông cứ phải thỏa thuận thế trước - giọng Ông già chắc nịch.
Bố Hg khi đó phấn khởi ra mặt, trông vẻ mặt ông như đã lâu mới lại được thấy bầu trời trong xanh bao la phía trước hiện ra. Chỉ bàn có thế, như nắm chắc được thế cờ trong tay, bố Hg nhanh chân dắt xe máy ra về hẹn Ông già vào một ngày đẹp trời cho đôi bên Kim Kiều hạnh ngộ.
Sau khi Bố Hg ra về, dọn dẹp chiến trường song, Ông già làm một gói sữa tươi với khẩu hiệu “Hãy làm thỏa cơn khát của bạn !”.
Lúc này đã là 11h.

4. Chiếc tủ thiên đường
Ông già có một cái tủ. Cái tủ của những cái tủ thì đúng hơn. Trong đó cơ man nào là chiến lợi phẩm mà ông thu hoạch được. Có thể nói đó là một thiên đường chống đói cho những kẻ cơ nhỡ lòng dạ vào ban đêm, chống ốm đau với người cần bổ thận tráng dương tăng cường sinh lực, rồi hoạt huyết dưỡng não, tăng cường trí nhớ, giảm sì trét và chống co_lét_tơ_rôn.
Cứ mở cánh tủ ra, nhớ là mở từ từ thôi nhé, không là tất cả sẽ đổ ào xuống ngay tắc lự ! Lọ to lọ nhỏ, lọ lớn lọ bé xếp chồng chéo lên nhau, ngăn trên ngăn dưới không còn chỗ nào để thở. Chưa hết, vì thiếu đất canh tác, ông nghĩ ra một kế. Đóng thêm máy thanh tà vẹt vào cánh của để gác những vật dụng luynh tuynh. Như ống hút nước giải khát, một cái thìa inooc sáng choang, một lọ cồn y tế, bông ngoáy tai, tăm xỉa răng, rồi còn cả một bao cao su nữa - ấy ấy đến đây xin mọi người đừng hiểu nhầm đấy là bao đựng mấy cái chun vòng chứ không phải loại bao cao su OK nhà vô địch, thôi thì cùng là một loại cao su mà ra cả nên mình cứ gọi tắt thế cho tiện. Đúng là thế hệ này vẫn còn mang nặng tính tích lũy thời bao cấp nhiều lắm …và trong chốn thiên đường đó còn nhiều các thứ linh tinh và vân vân được tích lũy từ lâu mà không sao kể siết.
Nhìn vào cái tủ của ông trông phát ngốt, không bừa bộn nhưng có quá nhiều thứ. Với những kẻ đói lòng ban đêm, vào cái lúc mà lòng dạ cồn cào nhất không hiểu vì đói ăn khát uống hay cồn cào vì bão lòng thì đó lại là một chốn thần tiên. Thôi cứ cái tủ thiên đường của ông già tên trộm lôi ra mà tự xử.
Nào thì mở tủ, mở mãi khong được. Hôm nay lại chiêu mới. Chốt kiểu mới. Mọi hôm có chốt tủ đâu. Hôm nay thì một cái đinh nhọn hoắt xuyên vào cánh tủ. Thế này thì đúng là đến lúc lẩm cẩm thì có đến bố tên trộm cũng chả nhớ ra được cách mở tủ thế nào.
Loay hoay nhẹ nhàng đọc câu thần chú “ Vừng ơi mở ra” một hồi rồi cuối cùng cánh tủ cũng mở.
Ồh, có thực phẩm mới. Thảm nào có chốt kiểu mới.
Có cả cafe sữa nhãn hiệu con Chó này, ờ mà tên trộm đói quá nên mắt mờ đọc nhầm con Ó thành con Chó. Chính xác phải là Cà phê sữa hiệu con Ó. Rõ khổ. Đói nên mắt nó mờ ! Trên này không có nước sôi nên thôi đành ngậm nguồi chia tay ly cà phê Ban Mê.
Lại còn có cả bánh chả Hàng Điếu nữa. Lạy chúa Jesuma ! Adidaphat !
Thật là may mắn, đúng là ở hiền gặp lành, đúng là ở trên cao trăng thanh gặp gió mát, ở dưới đất gió Lào gặp Cát trắng. Gói bánh chả đã được bóc một góc rồi, cứ thế mà chén thôi. Chứ mà chưa bóc ăn vào là lộ thiên ngay. Khẽ thôi nhé, nhẹ nhàng với cái túi lilon thôi không nó kêu sột soạt trong đêm khuya là ở tầng dưới có tiếng ho đánh động ngay. Này thì bánh chả này ! Bỏ tọt một cái vào mồm. Đang đói ăn thấy vào, nhẹ nhàng, móc thêm mấy cái nữa. mang ra vừa ăn vừa lướt web. Cuộc đời của kẻ single không còn gì thanh tao hơn !
Ăn bánh chán, ngựa quen đường cũ. Lại mò ra mở tủ. Ô hô, còn lọ lạc rang được ngụy trang khéo quá. Nhưng khéo cũng không qua nổi ngọc nhãn của tên trộm. Chắc lạc này giữ để thết bạn đây. Hơ hơ, này thì lạc rang tẩm húng lìu Bà Vân chính hiệu phố Bà Triệu này, này thì giấu này, này thì thần giữ của này. Tên trộm làm một vốc ăn cho thỏa thê, hết vốc này đến vốc khác. Đến lần cuối cùng đang định lấy thêm vốc nữa, chợt giật bắn mình vì lọ lạc vơi nhanh quá. Méo cả mặt. Chả biết làm thế nào. Thôi đã chơi thì chơi cho chót. Làm nốt phát cuối cùng, để lại một ít gọi là lịch sự rồi lấy tờ giấy đề vào mấy chữ:
“ THUỐC CHỮA HO, CHỈ DÀNH CHO TRẺ EM TRÊN 80 TUỔI”
bỏ vào lọ lạc rồi ngụy trang lại như ban đầu.
Hôm sau không có chuyện gì sảy ra, rồi hôm sau, hôm sau nữa cũng không có chuyện gì sảy ra.
Cho đến một hôm khi tên trộm đang ngủ trưa, thấy ông già lên mở tủ định tìm lọ rượu thuốc bổ trong đấy. Tên trộm nằm im thin thít như giả đò ngủ rất say. Thấy ông loay hoay lắc lọ lạc nhìn vào một cách khó hiểu, mấy viên lạc còn sót kêu lóc cóc trong lọ nghe thật vui tai. Đột nhiên tên trộm giật thót mình.
Giọng ông vang lên: “BỐ TIÊN SƯ !!!”

No comments: