Không hiểu hôm nay là ngày đẹp hay sao mà nhiều đám cưới thế. Nhà nhà có đám cưới, người người làm đám cưới. Phố xá nướm nượp kẻ đón người đưa. Mà mình cũng cưới đây, mình đi ăn đám cưới mà. Giời mùa đông, ngủ mãi mới dậy, cuống cuồng hai đứa rủ nhau đi đám cưới. Ngồi sau xe mày mà nhìn thấy cơ man nào là đám cưới . Đến giữa phố lại tắc đường vì mấy đám cưới chen nhau đi trước để đến đúng giờ G. Nó chen, tôi cũng bon chen. Hai đứa không bon chen được vì đông quá. Tôi cáu tiết chửi um lên: cưới đếch gì mà lắm thế, cứ trêu ngươi bà làm bà cứ giậm giực cả người.
Đến ngồi ăn đám cưới thì đúng là nơi để buôn chuyến tàu cuối năm. Được cái toàn hội thanh niên, nên mọi cái đều từ không thể trở thành có thể, tròn nó cũng bóp cho méo, mà có méo rồi nó lại bóp cho méo hơn.
Vừa bước chân xuống nhà giai, nhảy qua mấy bãi phân bò rồi cũng vào đến cửa. Trống nhạc sập sình, mùi rơm rạ ẩm mốc, mùi phân bò ngai ngái bốc lên giữa cái gió lạnh của mùa đông kèm thêm cái nắng chói chang đến vỡ đầu của một ngày đẹp trời mà theo các ông thầy bói đã dự đoán trước là ngày lành tháng tốt cho trăm họ chúc mừng các đôi uyên ương trên mọi miền của mảnh đất hình chữ ét sờ.
A nhà ngày thế mà sang, bạt căng lộng gió quê, xanh chới, cổng vòm vào cửa kết đầy lá dừa lẫn trái tim bong bóng, hy vọng rằng tình yêu của họ cũng không như bong bóng thế là may cho xã hội lắm rồi. Ơ mà nghe nhạc kìa, nhạc này ở Hà nội không có đâu, ở đây chơi hẳn loa ăm_pờ_li, phát ra từ đầu làng đến cuối làng cũng nghe thấy, ca sĩ thì lại càng thứ thiệt cây nhà lá vườn ngắt ra cả. Cứ sơ mi cháo lòng, bỏ ngoài quần, chân đi dép tông dật, đầu đinh kèm theo một lọn tóc dài như đuôi chuột sau gáy. Ca sĩ mặt mũi nguếch ngoác vêu vao lên hát bài Trái tim mùa đông đế góp vui cho hai họ. Họ hát thật say sưa và đầy tự tin: “Trái tim buồn vì thương nhớ, vì đâu đôi ta chót “chia nìa“ tình tan vỡ vì giông tố…”. Trời, sao đám cưới người ta lại hát những bài não nuột thế. À ! Mốt ở quê nó thế !
Sau màn chào hỏi cau trầu thuốc nước, các quan khách họ nhà trai được dẫn vào mâm, mỗi mâm một cái lồng bàn trắng tinh úp lên trên để chống ruồi. Quá nhiều ruồi, thì ra ở quê, văn minh an toàn thực phẩm và văn hóa ăn uống cũng có phần sạch sẽ hơn đứt dân Hà Thành.
Ừh nào thì ồn ào và dịu êm chúng ta vào mâm.
Trước khi ăn các chị đi trước cứ bảo đấy các em nào chưa cưới đi xem đi ăn rồi về mà rút kinh nghiệm học tập. Mình đang tủm tìm cười cười, điệu cười rất Monalida thì Aham bộp luôn cho một câu: vâng, em rút mãi mà nó nhất quyết không ra. Không nhịn được cả hội phá lên cười. Còn bà chị thì ngẩn tò te ra mãi mới hiểu rồi cũng phá lên cười, thế là hiểu rồi, nào ngờ bà chị lại còn giơ tay và hô nho nhỏ như kiểu đả đảo: rút ra ! rút ra ! rút ra!
Cái Tr ngồi cạnh tôi nói nhỏ tháng này em hết sạch tiền rồi. 4 cái đám cưới, 2 cái đám ma, rồi lại còn sinh nhật con của bạn với lại bạn đẻ. Mà sao chúng nó đẻ cũng nhanh, vừa 1 con bạn em mới cưới đã đẻ rồi, em chóng hết cả mặt, giống nó ngắn ngày hay sao ấy. Tôi cười hi hí rồi nói thế thì mày hên quá còn gì. Trong một tháng mà mày lĩnh trọn cả cưới xin, đẻ đái, sinh lão bệnh tử. Nhất mày đấy, mày cứ kêu người ta thế này rồi có ngày mày lại lên xin sếp cho phép em được “Một năm nghỉ đẻ hai lần”, ha ha, mắn hơn cả gà ri. Ôi nó vừa tức vừa chửi tôi rồi cười suýt sặc.
Mâm số 3: …. Đang ăn, phải nói thật là khi tôi vô tình liếc sang cũng gần hết đĩa thịt gà rồi, một bác cho một câu: Gà này chắc không phải gà Tam Hoàng đâu, mà cũng không phải gà nuôi công nghiệp, dai quá, dùng cả năm quân giằng mà không ra 1 ông ngồi cùng mâm cũng lê tê phê rồi, đốp lại: thôi bố ơi, bố xơi nốt đi cho con nhờ. Gà gì thì gà cũng chui vào bụng bố hết mẹ nó rồi. Gà này là gà thả rông ngoài vườn 3 tháng nay rồi đấy ạ, sáng nó chạy lên đồi tập thể dục, rồi giờ nó chạy vào mâm đấy bố ạ. Bác kia gật đầu, lấy làm tâm đắc làm nốt cú gắp ngoạn mục miếng thịt gà trong đĩa rồi gật đầu bảo: Thảm nào ăn khác hẳn gà vợ nó mua ở siêu thị !
Mâm đối diện: Ơ cái ông này dở hơi, có dở hơi không, ăn bánh dày nhân đậu đường lại kẹp giò. Còn đĩa tương ớt này, chấm thêm tí ớt đi cho nó đúng kiểu, cho nó nóng người.
Mâm số 4: … ăn nhanh thế, chưa gì đã quyt rồi cơ à. Thôi em đủ rồi. Em ra ngoài kia đứng cho nó thoáng. Tưởng ra tay không, cả mâm đang sướng vì được ăn thêm phần quyt. Ai dè, cả mâm có mấy quả quyt, thế là thôi, bác nhà em cầm mấy quả quyt đi thẳng. Cả hội tưng hửng. Mà ngoài kia gió lạnh, đứng một mình bác chịu không nổi, không có chiến hữu chiến cùng bác ta lại quay vào. Vừa vào ngồi lại, cả hội nháy nhau cười đúng là tham thì thâm.
Một cụ đi một vòng quanh các mâm. Tôi đoán chắc đây là bố chú rể. Tới mâm của tôi: Cụ khua khua tay bắt chuồn chuồn rồi nói “Tôi là bố cháu…. Các anh chị có cạch thì cứ cạch nhau đi. Còn tôi là tôi không cạch được đâu, nhớ!” Đứa ngồi bên cánh trái mình cứ ớ ra không hiểu sao ông cụ lại bảo “cạch nhau đi”. Tôi ngồi im, cười như hoa héo. Thấy thế đứa sát sườn bên phải tôi trả lời cho nó sao mày ngu thế, ý cụ bảo là cạch rượu, ở quê họ gọi là cạch, còn ở trên phố họ gọi là zô. Mình vỗ đùi một cái cười sằng sặc: “Thế mà tao cứ tưởng…”
Khi các vị khách đang mải mê ăn cho đúng đủ khẩu phần thì ban tổ chức lên phát biểu những gì mà hai họ đang tập trung ăn cũng phải cố gắng để “ Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” - nghe xong cả hội phải cúi mặt xuống bàn mà cười rinh rích: Alo, Một, Hai, Ba, Bốn ! (Mới nghe đến hết câu này thôi mà đã tưởng tượng ra câu tiêp theo: Máy bay địch cách Hà Nội 50Km). Rồi tiếng ban tổ chức được khuyếch đại qua cái micro với một giọng trầm ấm ngân nga tựa như giọng chú Nguyễn Ngọc Ngạn trên Paris by Night: “Kính thưa quan viên họ, Kịnh thưa quan viên bên đằng họ nhà trai và quan viên họ đằng họ nhà gái được sự chấp thuận của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam cho hai cháu nóa được cưới nhau. Mời các bác xơi cỗ chúc mừng cho cháu nóa. Cảm ơn các bác và chúc các bác hạnh phúc.”
Tiếng người nói cười rôm rả, tiếng bát, tiếng đũa va vào nhau lách cách, Trẻ con lít nhít đi ăn cưới hôi thập thà thập thò sau tấm phông chêu chọc nhau chí chóe.
Cuộc vui cuộc nhậu nào rồi cũng hết, mà nhậu hết rồi thì phải xỉa răng, đương nhiên rồi.
Cho anh xin cái tăm - 1 anh cùng hội hỏi. Giọng cái Tra eo éo - hết tăm rồi anh ạ. Thằng Tuấn béo mặt đỏ phừng vì rượu cười nhăn nhở như khỉ đột tiếp lời - anh vặt chân nó ra mà làm tăm. Trông như gầy như que củi ấy. Ăn thì chả ăn, cái gì cũng lắc, rồi ngồi trầm ngâm cười.
Thế có điên không, cười để góp vui hạnh phúc cho các cô dâu chú rể thế mà nó bảo tôi cười đểu; mà tôi có ăn đấy chứ, dưng mà ăn ít. Nó ăn nhẵn ăn nhụi rồi lại còn định vặt chân mình ra mà làm tăm xỉa răng. Không được. Không thể thế được, tôi phải lên tiếng thôi: Bà vặt chân ông y ra mà làm tăm. Chân tôi còn để đi ăn đám cưới khác nữa chứ. Cả hội cười nhe nhởn. Rồi lục đục đứng dậy lên ô tô ra về. Công nhận đi ăn cưới ở quê cũng có cái hay thật.
Sau mình mà này nhỡ tay vớ phải “chú ở quê” có lẽ đám cưới của mình còn vui nữa ?! Biết đâu đấy !!! Ở đời chả biết thế nào mà lần! Ghét của nào trời trao của đấy thôi.