Ông Ngoại tôi đã mất cách đây 18 năm. Năm đó ông thọ 83 tuổi. Còn tôi học lớp 8. Ông mất đi là cả một sự mất mát lớn đối với đại gia đình chúng tôi. Một đại gia đình vốn được coi là nền nếp, ít có điều tiếng gì từ trong nhà ra ngoài đường, cũng như đối xử với hàng xóm láng giềng ở con phố mang tên Hàng Bún. Thời đó ra ngoài đường cứ có người hỏi con cháu nhà nào mà bảo là con cháu cụ Chi bán hàng nước là có lẽ ở phố ai cũng biết.
Tôi còn nhớ, ngày đưa tang ông, trời như cũng buồn và sụt sùi đổ mưa. Từ nhà ra đường từ đường vào nhà đều lép nhép, sàn gạch đá hoa nâu hình lục giác trong căn phòng của ông trơn nhãy nước. Bà tôi thì lòa lại nặng tai chỉ ngồi một góc trên chiếc phản gỗ lim nhưng thỉnh thoảng vẫn nấc lên tiếng kêu trời sao nỡ để ông đi trước Bà. Mưa là thế nhưng những dòng người từ họ hàng đến bạn bè và bà con khu phố, không quản ngại đến tiễn đưa ông tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Mặc dù không khí trong gia đình như lắng xuống bởi ai cũng thương và nhớ ông, nhưng trong lúc đau buồn và bối rối ấy, gia đình cũng được những trận cười thắt ruột. Đúng là bối rối thật!
Tôi còn nhớ bối rối đến độ, cô Hòa con dâu của ông trong lúc đứng để đáp lễ khách đã nhanh nhảu chìa tay ra và hướng dẫn đoàn người vào viếng với lời mời rất trịnh trọng "Mời các bác đi vòng quanh tham quan". Mấy anh chị em, mấy cháu nhỏ đứng quanh đấy mặt thì mếu mếu máo máo vì thương ông nhưng nghe vậy vẫn phải mắm miệng vào để nhịn cười vì sự cố nói nhịu này. Đoàn khách này vào hết, đến đoàn khác vào cứ lần lượt lần lượt. Khói hương nghi ngút những vòng hoa viếng ông càng ngày càng nhiều xếp đầy dọc hai bên hiên nhà.
Đến đoàn của tổ dân phố, tất cả đều nghiêm chỉnh lần lượt vào viếng Ông. Dẫn đầu đoàn của tổ dân phố là ông Quýnh, ở cách nhà chúng tôi mấy nhà. Ở phố, người ta vẫn thường đùa gọi tên ông là Quýnh chột.
Tôi còn nhớ, sau khi kính cẩn dâng nén nhang lên bàn thờ ông tôi, ông Quýnh quay lại chỉnh đốn lại hàng ngũ của tổ dân phố, thấy có vẻ ổn, và cũng có vẻ như là còn mang nặng tính chỉ huy đội quân trong quân ngũ. Ông Quýnh dõng dạc hô "Nghiêm...iêm..iêm ! " - cả đoàn đến viếng giật thót mình, gia chủ cũng giật thót mình vì tiêng hô quá đanh, quá to, quá dõng dạc và không ai bảo ai tất cả đều nghiêm chỉnh đứng thẳng người rất kính cẩn dành một phút tưởng niệm người quá cố. Nhưng có lẽ do Ông Quýnh tuổi cũng cao, sức cũng không còn thanh xuân nên sau khi lấy hết sức bình sinh để hô cả đoàn đứng nghiêm thì hơi ở trên dồn xuống và áp suất không khí bị nén, ruột nhu động mạnh và tạo thành một lực công phá rất lớn - nên sau cú hô nghiêm đanh thép đó thì "một tiếng nổ" cũng như trời giáng phát ra. Đúng là sự cố kỹ thuật quá đột ngột, đột ngột đến độ chính ông Quýnh chột cũng thần mặt ra mất mấy giây không hiểu sao mình lại thất lễ thế, nhưng rất nhanh đã lấy lại tinh thần và mặt tỉnh queo như không có chuyện gì xảy ra. Ôi trời ơi, trong lúc tang gia bối rối, đứng ở đấy mà chứng kiến cảnh đó thì không thể nhịn được cười. Còn đoàn người đi viếng cùng ông Quýnh chột thì cứ gục mặt xuống đất, người rung bần bật cố nén để không phát ra tiếng cười. Trong gia đình người lớn ý tứ nhịn được cười đã đành, nhưng lũ cháu nghịch như giặc thì không thể nhịn được. Nói chung những đứa cháu nào có mặt ở đấy thôi thì tức khắc lẳng lặng chạy thẳng ra ngoài sân đứng rúc vào một góc rồi ôm nhau cười khằng khặc. Ngay sau đấy thì cũng thấy cô Oanh rồi chú Hiệp chạy vọt ra sân cười. Chú Hiệp lại còn tếu táo trêu bọn trẻ con diễn lại hô “nghiêm..iêm…pủm…ủm!”. Sau khi cả đoàn ông Quýnh chột đã ra về thì cả nhà được một trận cười no bụng từ người lớn đến trẻ con. Đúng là cười ra nước mắt, khóc nên trận cười. Cười chưa dứt thì tất cả con cháu phải nghiêm chỉnh trở lại và trở về hàng ngũ để tiếp đoàn khách khác vào viếng ông.
Những đoàn người vào viếng đã hết, tất cả tập trung trước cổng nhà để theo ô tô tiễn đưa ông tôi một đoạn ngắn trên phố Hàng Bún. Ngoái đầu nhìn lại, thấy đoàn người tiễn đưa ông dài dằng dặc. Vào thời đó có lẽ đám tang của Ông tôi như được coi là đông nhất nhì ở phố.
Mấy năm sau ngày ông mất, Bà tôi cũng mất... vậy là hai người thân thương nhất của Mẹ tôi, của gia đình chúng tôi đã không còn nữa. Tre già thì măng mọc, Ông Bà Ngoại tôi có thêm cháu, chắt… tụi trẻ con chúng tôi lớn dần lên bên nhau trong ngôi biệt thự gần trăm tuổi của Pháp - tài sản lớn nhất của Ông Bà để lại cho con cháu. Nhưng vì hoàn cảnh và điều kiện gia đình một thời gian dài sau khi Ông và Bà mất, thì chúng tôi không còn được sống ở gần nhau trong ngôi nhà 45 Hàng Bún nữa. Vậy mà đã 15 năm trôi qua kể từ ngày chia tay ngôi nhà 45 Hàng Bún. 15 năm ấy biết bao nhiêu tình ! Biết bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu phát triển, bao nhiêu đổi thay trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng những kỷ niệm vui, buồn, gian khổ, thiếu thốn về một thời ở Hàng Bún thì tụi trẻ con cũng như các cô chú trong gia đình vẫn luôn nhớ tới như nhớ về cuội nguồn nơi mình sinh ra, lớn lên, trưởng thành và cũng là cái đề tài muôn thủa "ôn cố tri tân" mỗi khi chúng tôi có dịp tụ tập vào ngày Tết đầu năm hay ngày giỗ của Ông, Bà.
Cáo J Tháng 4 - 2010